Thời tiết miền Nam bắt đầu nắng nóng. Tình trạng này dễ làm bùng phát các loại bệnh ở trẻ em như: rôm sảy, sốt siêu vi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy cấp…
Vì vậy, để phòng ngừa các bệnh mùa nắng nóng cho trẻ, cha mẹ cần chú ý một số các biện pháp chăm sóc như sau:
1. Thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm
Vệ sinh sạch sẽ nơi chế biến, ăn chín uống sôi, sử dụng các loại thực phẩm an toàn để phòng ngừa các rối loạn tiêu hóa, đường ruột, trong đó có một tỷ lệ đáng kể viêm não mà thủ phạm là virut đường ruột (như Enterovirut, ECHO, Coxackie…).
2. Vệ sinh thân thể sạch sẽ
– Tắm gội sạch sẽ hằng ngày cho trẻ; thay quần áo cho trẻ mỗi khi bị ướt hay ra nhiều mồ hôi để tránh bị cảm lạnh, chốc lở, nhiễm nấm; không để trẻ gãi hay “giết” rôm (sảy) để tránh làm tổn thương, nhiễm trùng da.
– Không được cho trẻ nghịch đất, cát; đi nằm sau khi vừa tắm xong.
– Kiểm tra thường xuyên những vùng da kín của trẻ, đặc biệt khi trẻ có biểu hiện ngứa để phát hiện và điều trị sớm các bệnh ngoài da.
3. Uống nhiều nước
– Mùa hè, thời tiết nắng nóng, mồ hôi tiết ra nhiều khiến cơ thể mất nhiều nước, vì thế cần cho trẻ uống đủ nước khi ở nhà hay đi học.
– Mỗi khi ra nắng hay đi học phải đội mũ, nón rộng vành để không bị say nắng.
– Không uống nhiều nước đá hay ăn những thức ăn quá lạnh.
4. Đưa trẻ đi tiêm phòng theo đúng quy định
Hiện nay, một số bệnh truyền nhiễm ở trẻ em đã có vắc xin phòng bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng và trong tiêm chủng dịch vụ, các bậc phụ huynh cần lưu ý đưa trẻ đi tiêm các loại vắc xin để chủ động phòng bệnh cho trẻ. Đây là biện pháp hiệu quả để chủ động phòng các bệnh truyền nhiễm.
5. Tiến hành diệt muỗi, bọ gậy quanh khu vực nơi ở
Diệt bọ gậy (lăng quăng), loại trừ nơi muỗi sinh đẻ, trú ngụ là biện pháp tích cực, hiệu quả và cần thiết nhất để phòng chống bệnh sốt xuất huyết.
6. Chú ý khi dùng điều hòa, quạt
– Điều hòa nên đặt ở nhiệt độ 27-28 độ C. Lưu ý, không để điều hòa quá thấp, chênh lệch nhiệt độ lớn so với môi trường bên ngoài. Khi đã ở trong phòng điều hòa thì không nên để trẻ chạy ra – vào phòng liên tục, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột cũng khiến trẻ dễ mắc bệnh.
– Khi định ra ngoài phòng lạnh nên từ từ mở rộng cửa, đợi 2-3 phút sau mới ra khỏi phòng (để cơ thể có thời gian thích nghi với không khí bên ngoài).
– Tùy theo lứa tuổi của trẻ mà cha mẹ nên bật quạt số to hay nhỏ. Trẻ sơ sinh thì không nên để quạt quá gần (cách 2m trở lên), số nhỏ nhất và không nên để quạt thẳng vào mặt.
7. Phòng say nắng và say nóng
– Không nên cho trẻ ra ngoài trời lúc nắng nóng, nhiệt độ cao, trời oi bức.
– Nếu phải ra ngoài trời cần phải mặc quần áo che kín da và đội nón rộng vành che phủ vùng cổ, gáy.
– Không tắm biển hoặc sông, suối vào lúc còn nắng gắt.
– Cho trẻ uống nước thường xuyên, thêm nước cam vắt, nước chanh càng tốt; hạn chế sử dụng các loại nước đóng chai, nhất là nước có gas.
Thời tiết nắng nóng khiến sức đề kháng của trẻ kém đi, dễ bị nhiễm bệnh. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần đặc biệt chú ý để chăm sóc tốt cho trẻ trong những ngày nắng nóng này.